Tin tức về Uỷ Ban Nhân Dân

Hưởng ứng Ngày Quốc tế chống tham nhũng (09/12) năm 2019

  

Ngày Quốc tế chống tham nhũng, viết tắt là IACD (International Anti-Corruption Day) được tổ chức vào ngày 09/12 hàng năm, kể từ khi thông qua Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng vào ngày 31/10/2003.

 

1200px A no money handshake

 

Đây là một sự kiện thường niên do Liên hợp quốc tổ chức, với mục đích nâng cao nhận thức của công chúng về tham nhũng, hối lộ và các vấn đề có liên quan, đồng thời vinh danh những người chống tham nhũng trong cộng đồng và chính phủ mỗi nước thành viên.


Việt Nam là một trong các quốc gia đã ký kết, tham gia Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng. Ngày 30/6/2009, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã ký Quyết định số 950/2009/QĐ-CTN phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng, kèm theo đó là Tuyên bố về việc thực thi Công ước sẽ theo nguyên tắc Hiến pháp và pháp luật thực định của Việt Nam, trên cơ sở các thỏa thuận hợp tác song phương hoặc đa phương với nước khác và nguyên tắc có đi có lại. Ngày 07/4/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 445/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện Công ước.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng sẽ mang lại cho Việt Nam những lợi ích cơ bản sau:

Thứ nhất, thông qua hoạt động hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng, chúng ta sẽ thu được những kinh nghiệm, thực tiễn tốt của các quốc gia trên thế giới về phòng, chống tham nhũng, từ đó nghiên cứu, áp dụng phù hợp vào công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam; đồng thời, những kết quả đáng ghi nhận, kinh nghiệm, thực tiễn tốt của Việt Nam trong phòng, chống tham nhũng sẽ được lan tỏa ra khu vực và thế giới, góp phần tăng cường hình ảnh, vai trò của Việt Nam trong hợp tác về phòng, chống tham nhũng.

Thứ hai, việc tham gia vào các thỏa thuận, điều ước, cam kết quốc tế đa phương về phòng, chống tham nhũng, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng – một văn kiện pháp lý mang tính nền tảng và toàn cầu về phòng, chống tham nhũng, sẽ giúp chúng ta nắm bắt được những vấn đề, giải pháp cơ bản, cốt lõi và tiên tiến trong phòng, chống tham nhũng, nắm bắt được xu hướng hợp tác của khu vực và thế giới về phòng, chống tham nhũng, cùng tham gia giải quyết một vấn nạn chung của thế giới và khu vực, góp phần củng cố, tăng cường hòa bình, hữu nghị và phát triển chung trên toàn thế giới. Việc nội luật hóa và thực hiện có hiệu quả các cam kết, các điều khoản của các thỏa thuận, điều ước quốc tế này sẽ giúp tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng ở trong nước, mặt khác thể hiện tính chủ động, tính cam kết ở mức độ cao và quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong phòng, chống tham nhũng.

Thứ ba, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: Hợp tác quốc tế góp phần làm tăng nguồn lực của dân tộc trong sự nghiệp xây dựng đất nước, hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng với các quốc gia, các tổ chức quốc tế giúp ta tranh thủ được các nguồn lực nước ngoài, cả về khía cạnh vật chất và khía cạnh kỹ thuật, chuyên gia, nhằm triển khai các chương trình đào tạo, tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tăng cường nhận thức và khả năng tham gia vào công tác phòng, chống tham nhũng của các thành phần khác như khu vực doanh nghiệp, báo chí, các tổ chức xã hội, chính trị - xã hội, v.v…
 
Thứ tư, hoạt động tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và các nước khác liên quan đến tội phạm tham nhũng sẽ giúp Việt Nam có thông tin, tài liệu cần thiết phục vụ cho công tác điều tra, truy tố và xét xử trong nước; xác minh, truy tìm và hồi hương được người có hành vi tham nhũng cũng như tài sản do tham nhũng mà có của họ.

Nhìn chung, thực hiện tốt các hoạt động hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng sẽ góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trong nước, tăng cường vai trò và vị trí của Việt Nam trong hợp tác khu vực và thế giới. Xuất phát từ những lợi ích này, thực hiện hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng cũng đồng thời là trách nhiệm phải thực hiện, nhất là của các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng.

Ở Việt Nam, phòng, chống tham nhũng được xác định là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, lâu dài, xuyên suốt quá trình phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm thực hiện phòng, chống tham nhũng theo phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình và theo các nhóm nhiệm vụ, giải pháp: phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng. Do tầm quan trọng đã được khẳng định, Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành có một chương riêng về hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng (Chương VIII, Luật Phòng, chống tham nhũng 2018), trong đó quy định rõ các nguyên tắc chung, nội dung hợp tác và trách nhiệm của một số cơ quan chính trong hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng. Luật Phòng, chống tham nhũng quy định: Nhà nước Việt Nam cam kết thực hiện các điều ước quốc tế về phòng, chống tham nhũng mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; hợp tác với các nước, tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài trong hoạt động phòng, chống tham nhũng trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các bên cùng có lợi. Cũng theo Luật Phòng, chống tham nhũng, hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng được tiến hành trên hai nội dung: (1) Hợp tác tương trợ tư pháp về phòng, chống tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng; và (2) Hợp tác về nghiên cứu khoa học, đào tạo, trao đổi thông tin, hỗ trợ tài chính, trợ giúp kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm trong phòng, chống tham nhũng. Trách nhiệm hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng của các cơ quan Nhà nước được Luật Phòng, chống tham nhũng phân định rõ ràng, theo đó, Thanh tra Chính phủ là cơ quan chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an và cơ quan khác thực hiện hợp tác quốc tế về nghiên cứu, đào tạo, xây dựng chính sách, hỗ trợ tài chính, trợ giúp kỹ thuật, trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong phòng, chống tham nhũng; Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện hợp tác quốc tế về tương trợ tư pháp trong phòng, chống tham nhũng; Viện kiểm sát nhân dân tối cao là cơ quan trung ương về hợp tác quốc tế thu hồi tài sản tham nhũng trong tố tụng hình sự; tiếp nhận, xử lý yêu cầu tương trợ tư pháp hình sự của nước ngoài về thu hồi tài sản tham nhũng và đề nghị nước ngoài thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp hình sự về thu hồi tài sản tham nhũng của Việt Nam.

Trong những năm qua, với sự nỗ lực không mệt mỏi trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, các cơ quan  thực thi pháp luật của Việt Nam đã phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế với quy mô lớn và tính chất đặc biệt nghiêm trọng, với các thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, một số vụ án có tính chất xuyên quốc gia, sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi phạm tội;  Thanh tra Chính phủ đã chủ trì và phối hợp hiệu quả với các cơ quan hữu quan trong tham mưu xây dựng chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, thực hiện  đồng bộ các giải pháp phòng ngừa về phòng, chống tham nhũng, đẩy mạnh công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo về phòng, chống tham nhũng. Có thể nói, có được những kết quả đó một phần là nhờ các cơ quan đã thực hiện tốt trách nhiệm của mình về hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng.

Có thể nói, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng có thành công hay không bên cạnh phụ thuộc chủ yếu vào quyết tâm chính trị và triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng, chống tham nhũng ở trong nước, chúng ta cần tranh thủ được kinh nghiệm, sự hỗ trợ từ bên ngoài thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế. Hoạt động hợp tác quốc tế nói chung và hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng chỉ thực sự có hiệu quả, đạt được mục tiêu khi chúng ta nhận thức đúng vị trí, vai trò, nội dung và tầm quan trọng của nó trong tiến trình đổi mới và trong yêu cầu của công tác phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới hiện nay.

 


Tọa đàm "Nhân dân phường 25 chung tay thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ phường 25 lần thứ XIII, nhiệm kỳ "2020-2025" và hội thi rung Chuông vàng " Thanh niên phường 25 với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ phường 25, lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2020-2025"


Địa chỉ - Thời gian làm việc

24/30 Đường Võ Oanh, Phường 25, Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh.

Thứ 2 đến thứ 6
7g30 - 11g30
13g00 - 17g00
Thứ 7
7g30 - 11g30

Yêu cầu phản ánh trực tuyến

© 2024 UBND PHƯỜNG 25 QUẬN BÌNH THẠNH. All Rights Reserved.